Trang chủ Đinh Bộ Lĩnh

Đinh Bộ Lĩnh

Đinh Tiên Hoàng (924 – 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh hoặc có sách gọi Đinh Hoàn, là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam, vì thế mà ông còn được gọi là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử.

Ông là người vùng Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Cha của ông là Đinh Công Trứ, là một nha tướng của Dương Đình Nghệ.

Từ nhỏ Đinh Bộ Lĩnh đã thể hiện tài năng và trí tuệ của một chỉ huy. Lớn lên, ông đã tạo dựng được uy tín và thu phục lòng người. Đinh Bộ Lĩnh nhanh chóng xây dựng cho mình một lực lượng mạnh tại vùng Hoa Lư, củng cố và mở rộng khu vực chiếm giữ của mình.

Năm 965, Ngô Xương Văn chết, quan trong triều nổi loạn tranh ngôi, liền bị Ông dẹp yên. Kể từ đó loạn 12 sứ quân chính thức nổ ra, nhưng bằng sự khôn khéo vận dụng kế sách chính trị kết hợp với quân sự, ông đã dẹp yên các sứ quân chỉ trong vài năm.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Năm 970, đặt niên hiệu là Thái Bình nhằm biểu hiện ý thức độc lập tự chủ của nhà Đinh.

Nhà nước dưới thời Đinh là một bước phát triển hơn so với trước. Theo nhận xét của sử gia Lê Văn Hưu : “Vua (Đinh Bộ Lĩnh) mở nước dựng đô, đồi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập 6 quân, chế độ gần đầy đủ”. Tuy nhiên, chính quyền nhà Đinh vẫn chỉ mới là bước đầu hình thành và trên quá trình ổn định, tổ chức bộ máy cai trị và quản lý đất nước vẫn còn đơn giản, lực lượng quân sự còn đang trong bước củng cố, luật pháp chưa rõ ràng và đầy đủ, phạm vi kiểm soát chính quyền còn hạn chế ở vùng đồng bằng và các vùng lân cận.

Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm bị cận vệ Đỗ Thích ám sát.